NGƯỜI THẦY VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG CHUẨN

Cánh phượng mong manh của khung trời tiểu học Đoàn Quý Phi những ngày hè 2015 dường xôn xao, rực thắm hơn, tiếng ve cũng inh ỏi hơn như lời thơ Thanh Tùng “Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào mà chẳng cho lòng người yên chút nào”. Vâng, có thể là vậy. Bởi đây là thời điểm nước rút mà trường phải hoàn thành cơ sở vật chất để bước vào trường chuẩn mức 2 theo như đề nghị của lãnh đạo phòng, với tiêu chí lớp bán trú và bếp ăn tập thể. Điều này khiến toàn thể CBCNV của Trường đều cùng chung một mong ước, chung một nỗi lo âu sao cho cơ sở vật chất hoàn thành để kịp triển khai lớp bán trú trong năm học mới. Sức nặng của nỗi lo ấy cộng hưởng và rơi xuống “vai em gầy guộc nhỏ”( Như cánh vạt bay- Trịnh Công Sơn) của cô giáo Nguyễn Thị Hà- Người hiệu trưởng đời thứ 8 và là người nữ lãnh đạo đầu tiên của trường. Đang đắm chìm trong dòng nghĩ miên man, Cô chợt thấy một bóng dáng cao to đang rảo bước vào trường, à thì ra là thầy Hổ- tổ trưởng chuyên môn tổ 4. Một người mộc mạc nhưng chân tình và rất nặng lòng với trường với lớp. Thế là cô chia sẻ: Thầy Hổ ơi! Phòng ốc coi như đã xong nhưng trang thiết bị bên trong như : bàn, ghế, chỗ ngủ, chén, bát… hàng chục thứ, chủ yếu là phải tự trang bị mà kinh phí của trường thì quá hạn hẹp, tính sao đây? là CHTHCTĐ của trường, Thầy xem thử có thể liên hệ các nhà hão tâm giúp đỡ cho trường được không? Lời đề nghị của Cô cũng là nỗi canh cánh lòng Thầy, ( nhiệt tình nhưng do mộc mạc và không quen kiểu ngoại giao cầu viện trợ) nên sau vài phút lặng thinh Thầy dè dặt nói: Để tôi thử xem sao.

     Ba chữ ” thử xem sao” tưởng nhẹ tênh mà hoá ra nặng trịch cứ đeo bám, lởn vởn trong tâm trí thầy suốt 3 ngày với bao trăn trở: xin ở đâu ? xin ai đây ? và xin những gì ?….Một sáng đẹp trời ngày thứ tư bên hương thơm quyến rủ, nồng nàn của li cà phê Ban Mê khơi nguồn sáng tạo, thầy chợt ngộ ra cách thức “thử xem sao”. Lòng đầy phấn chấn và quyết tâm, thầy không về nhà như thường lệ mà  xe ta bon bon trên dặm đường trực chỉ Đại Tân nơi có  lương y Nguyễn Lễ- vị Mạnh Thường Quân nổi tiếng với những việc nghĩa tình. Sau thủ tục chào hỏi, thầy ngại ngùng trình bày nguyện vọng của trường mong được hỗ trợ một số dụng cụ cho lớp bán trú. Thầy Lễ nghe xong điềm đạm nói: Tôi khá ngạc nhiên trước lời đề nghị của anh, vì hồi nào đến giờ tôi chỉ cho sách, vở, xe đạp.. chứ dụng cụ phục vụ bán trú thì tôi chưa giúp ai cả”. Năm tiếng cuối tôi chưa giúp ai cả  trong lời vị lương y sao nghe chầm chậm bao cảm xúc khó tả. Lời đáp khiến thầy như tiêu tan niềm hi vọng. Thầy thầm nghĩ tình hình này chắc cũng dễ ” Thôi rồi Lượm ơi“. Nhưng với quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc, thầy Hổ lại kiên trì và tha thiết, lần nữa vận hết ” nội công thâm hậu” sử dụng toàn những” chiêu thức vi diệu thượng thừa” nhất mà mình có để thuyết phục vị Lương y. Cuối cùng Lương y Nguyễn Lễ đã chấp nhận phá lệ và hứa sẽ giúp trường. Tấm lòng của một nhà hão tâm và tấm lòng của một thầy giáo nhiệt tình đã hoà cùng một điệu- Tình thương.hướng về những thiên thần bé nhỏ măng non.

Đường từ Đại Tân về Đại Thắng hôm nay không có hoa có bướm (dù chỉ một đoá hoa của đất trời hay đoá hoa của lòng người- một em gái xinh xinh nào đó đứng ở bên đường cũng không) sao lòng Thầy đầy ắp những bướm hoa. Để chào mừng  đợt ra quân lần đầu thắng lợi, Thầy trịnh trọng kiến nghị phu nhân mình chuẩn bị cho một bữa cơm thật thịnh soạn. Ăn cơm xong thầy ngủ một giấc ngon lành để bù lại đêm qua thầy đã mất ngủ vì lo âu.

Thức giấc vào rạng sáng ngày mai Thầy lại tiếp tục “Đời mình là một khúc quân hành “.Và như là một biểu hiện mê tín, thầy tìm đến đúng cái quán hôm trước, ngồi đúng cái bàn, đúng cả cái ghế hôm trước nữa để lấy hên. Chỉ khác là hướng ngồi. Hôm trước thầy xoay hướng Tây- Đại Tân, hôm nay thầy xoay hướng Bắc – Đại Minh, lòng thầy bồi hồi chợt nhớ đến câu thơ Chế Lan Viên ” Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa / Nay trở về ta lấy lại vàng ta” (Tiếng hát con tàu). Thầy chợt reo lên  Phải rồi hôm nay mình sẽ đi  ngoại giao ở tiệm vàng Thuận Lợi Đại Minh. Ý tưởng khiến tinh thần thăng hoa, thầy thả hồn theo hương thơm cafe và mơ về nhạc sĩ Nguyễn Cường “Hương bay theo làn khói vẽ mùa xuân long lanh”. Như lần trước từ quán cafe thầy phi thẳng ra Đại Minh. Đối diện với Mạnh Thường Quân – Chủ tiệm vàng Thuận Lợi là một thầy giáo có nhiều thuận lợi vì tự tin hơn nhờ thành công lần trước và khoa ăn nói trôi chảy hơn nhờ rèn luyện thực tiễn. Sau khi nghe thầy trình bày nguyện vọng anh… đã hẹn : Hỗ trợ hay không hỗ trợ chiều nay anh sẽ trả lời. Thầy cảm ơn anh… rồi ra về với tâm trạng phấp phỏng nửa mừng nửa lo- Lẽ nào chuyến này ” Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo” ? Thời gian từ đây đến chiều chỉ mấy tiếng đồng hồ mà sao thăm thẳm chiều trôi. Sao nó dài như mấy mươi năm trước ngày xưa khi thầy chờ cuộc hẹn với người yêu- vợ thầy bây giờ. Khoảng 3 giờ chiều thì anh… gọi điện thông báo hỗ trợ 25 tấm ván ép để kê làm giường cho các em học sinh ngủ trưa, lòng thầy mừng vô kể. Trên đà thắng lợi thầy đã thực hiện rất nhiều những cuộc ngoại giao ở Đại Lộc và cả ở Hội An, Đà nẵng nơi có bà con của Thầy. Số hiện vật thầy vận động được trị giá số tiền lên đến gần 40.000.000 đồng để góp phần vào xây dựng lớp bán trú của trường.

Đúng là quá trình xây dựng trường chuẩn là một hành trình gian nan đầy thử thách đòi hỏi sự đồng thuận cao của hội đồng sư phạm của hội phụ huynh học sinh và của Lãnh đạo phòng giáo dục: thầy An nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, định hướng cùng chung tay góp sức để dựng xây. Riêng phần bếp ăn tập thể cũng…” không phải dạng vừa đâu”. Xong phần cơ sở thì khâu lựa chọn, kiếm tìm người đầu bếp với mức lương rất khiêm tốn lại phải khéo nấu ăn, có ý thức giữ gìn vệ sinh thật tốt, biết yêu thương, lo lắng cho sức khoẻ các cháu cũng là một bài toán nan giải mà người lãnh đạo phải tìm ra lời giải chuẩn xác nhất. Đến nay phụ huynh học sinh đã rất phấn khởi và yên tâm gửi gấm con mình vào bán trú. Đến nay trường chuẩn mức 2 đã được công nhận, thành quả này thoả mong ước của toàn thể CBGVCNV nhà trường và Lãnh đạo cấp trên và đây cũng là công trình hoàn thành để chào mừng Đại hội công đoàn giáo dục sắp diễn ra trong thời gian đến.

THẦY HỔ

Là một thành viên của hội đồng sư phạm tiểu học Đoàn Quý Phi đồng thời là phụ huynh có con học bán trú, Tôi ghi lại câu chuyện về thầy Nguyễn Văn Hổ- một người thầy đã tận tâm với nghề, hết lòng vì đàn em thân yêu như một lời tri ân chân thành.

Sự thành công của Thầy không chỉ gợi lên cho chúng tôi sự cảm phục, trân trọng mà còn giúp tôi nhận ra một bài học sâu sắc về yếu tố quan trọng để thành công là: Phải có khát vọng đẹp và có lòng kiên nhẫn như Bác Hồ từng dạy ” Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền”.

      Ở cái tuổi lục thập, mẫu người của Thầy như ai đó đã nói “Tuổi cao chí càng cao” dòng nhiệt huyết của thầy vẫn sục sôi cuộn trào. Tuy vậy đã đến lúc Thầy phải đứng lại để nhường đường cho thế hệ trẻ tiếp bước đi lên theo quy luật ” Tre tàn măng mọc”.

Nghe nói sắp tới đây Thầy sẽ giã từ bục giảng, giã từ phấn trắng bảng đen… Xin chúc Thầy cùng gia đình sẽ thật vui tươi và an bình. Thầy Hổ ơi! Khi ” Một mai, một cuốc, một cần câu” nếu rảnh rỗi đồng thời có hứng thú làm “nhà ngoại giao” tự nguyện, xin thầy hãy đến cùng chúng tôi, cánh cổng trường Đoàn Quý Phi luôn rộng mở đón đợi Thầy.

                                                                      

                                                                             Trần Thị Ba